Mặc vào dễ ngớ ngẩn
Theo Green Peace (Tổ chức Hòa bình xanh), từ tháng 6 đến tháng 10/2013, tổ chức này đã mua 85 mặt hàng may mặc trẻ em tại 2 thành phố sản xuất nhiều nhất Trung Quốc là Trị Lý ở tỉnh Chiết Giang và thành phố Thạch Sư ở tỉnh Phúc Kiến.
Các cuộc kiểm nghiệm được phòng thí nghiệm của bên thứ ba thực hiện độc lập phát hiện thấy chất NPE, một chất gây rối loạn hormone, trong hơn phân nửa số mẫu trong khi 9/10 mặt hàng làm bằng polyester dương tính với chất antimon độc hại.
|
Trung Quốc là nước xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất thế giới. |
Chất phthalate có độc tính đối với hệ sinh sản, cũng được phát hiện ở nồng độ cao ở 2 mẫu.
Ngành công nghiệp sản xuất quần áo trẻ em ở Trung Quốc trị giá khoảng 165 tỉ USD với mức tăng trưởng hàng năm dự kiến là 30%, là một trong những ngành kinh tế phát triển nhanh nhất ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Lee Chih An- chuyên gia của Green Peace nói không có sự quản lý chặt chẽ những hóa chất được sử dụng trong hàng may mặc cho trẻ em.
“Một tiêu chuẩn an toàn quốc gia đối với những hóa chất độc hại sử dụng trên hàng may mặc trẻ em nằm trong ngăn kéo của những người làm chính sách đã 6 năm nay, và chúng tôi không biết khi nào thì nó mới được ban hành”- ông Lee nói tiếp.
Ngay cả cơ quan quản lý chất lượng của Trung Quốc cũng đồng tình rằng quần áo trẻ em có thể gây nguy hại. Tháng 5 vừa qua, Tổng cục Giám sát chất lượng của Trung Quốc phát hành cẩm nang tiêu dùng khuyến cáo chọn mua quần áo trẻ em nhạt màu, không có chất làm sáng dạ quang hay có in sắc tố.
Một cuộc khảo sát của Hiệp hội Người tiêu dùng Bắc Kinh hồi tháng 6 cũng cho thấy 38% quần áo trẻ em không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Nhiều trẻ em Việt nhập viện do dị ứng quần áo
Trước thông tin Green Peace công bố, một số chuyên gia Việt Nam đã phân tích yếu tố độc hại được phát hiện có trong quần áo trẻ em do Trung Quốc sản xuất.
Theo ông Lê Trường Giang (Viện Hóa học - Viện Khoa học- Công nghệ Việt Nam), NPE là hợp chất hữu cơ tổng hợp, được sử dụng nhiều trong các ngành công nghiệp như hóa chất bảo vệ thực vật, sản xuất nhựa, sơn, công nghiệp giấy, dệt…
Ngoài ra, NPE còn được sử dụng để sản xuất chất tẩy rửa trong công nghiệp. Nhưng do tính chất độc hại của NPE mà nhiều nước đang giảm sử dụng chất này.
|
100% mẫu kiểm tra mặt hàng may mặc đến từ Trung Quốc có chứa chất gây rối loạn hormone khiến trẻ mặc vào dễ bị ngớ ngẩn. Ảnh minh họa |
Ông Giang nhấn mạnh: “NPE có thể làm cho các sinh vật ngớ ngẩn hoặc mất tỉnh táo, có thể bao phủ các sinh vật với màng mỏng như bong bóng xà phòng, ngăn cản sự dịch chuyển và cuối cùng nó có thể phá vỡ các hormone chức năng trong cơ thể sống và phá hủy tuyến nội tiết. Sau khi thải ra môi trường, NPE phân rã thành các chất độc hại, có thể lây nhiễm vào thực phẩm và gây rối loạn khả năng sinh sản, tăng trưởng”.
Bác sĩ Trần Văn Tiến – Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu T.Ư cho biết, bệnh viện tiếp nhận không ít bệnh nhân trong đó có không ít trẻ em đến khám với các hiện tượng mẩn ngứa, dị ứng quần áo. Đa số các ca dị ứng này là do các thành phần có trong quần áo như thuốc nhuộm, nylon, các vật khóa móc có niken.
“Các quần áo có màu sắc lòe loẹt, thuốc nhuộm không đảm bảo, nhiều phụ kiện, nylon đều có khả năng gây dị ứng rất lớn, nhất là trẻ em có làn da mỏng manh”.
Còn Tiến sĩ Trần Hồng Côn - khoa Hóa, Trường ĐH Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) phân tích, nếu quần áo nhiễm NPE thì có thể thẩm thấu qua da và tác động đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, nhiễm liều lượng bao nhiêu thì sức khỏe bị suy giảm thì chưa có khuyến cáo. Nếu ngậm, mút, ăn các loại vải có chứa chất NPE thì khá nguy hiểm vì NPE có thể thôi nhiễm ra nước bọt và ngấm vào cơ thể. Đối với trẻ em thường nghịch ngợm, da mỏng, sức đề kháng kém, nếu quần áo, vải vóc có chất độc thì rất nguy hiểm.
Đầu năm 2013, Việt Nam đã tìm thấy chất phthalate trong đồ chơi thú nhún của Trung Quốc. Theo các chuyên gia, phthalate gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ em. Phthalate có khả năng gây ung thư, phá hủy thận, phá hủy hệ thống hormone của cơ thể. Đối với em trai, có thể làm cơ quan sinh dục nam bị teo lại. |
Hà Anh (Tổng hợp theo DanViet, Dan Tri)